Thuyết trình về an toàn thực phẩm 2016

Chú ý:

Bài thuyết trình này có đính kèm file powerpoint và file PDF văn bản, các bạn có thể download tại đây: https://drive.google.com/open?id=0B5poIQtS2CoyR2EzVmdyX3Y5bUU

Bài thuyết trình được thực hiện bởi:

  • Nguyễn Thị Mỹ Tuyền
  • Trần Thị Ngọc Huyên
  • Đặng Minh Tiến

Lớp 12 Toán – Tin, Trường THPT Chuyên Bến Tre

Đề bài: em hãy thuyết trình về vấn đề an toàn thực phẩm 2016?

Bài làm

Bạn nhìn thấy gì đầu tiên trong bức hình này? Là bàn tay hay là màu đen? Tôi muốn nói với bạn cái mà bạn vừa nhìn thấy là thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang từng ngày diễn ra trên chính đất nước Việt Nam của chúng ta. Bạn có thể nhìn thấy màu chủ đạo tôi chọn chi bức hình là màu đen – đen tuyệt đối. Mỗi buổi sáng thức dậy, bạn mở tivi lên xem tin tức, điều đầu tiên bạn nghe được là gì? Là thực phẩm bẩn, là mất vệ sinh, là các loại thuốc hóa học,… Như vậy, tình hình an toàn thực phẩm trên mọi miền đất nước Việt Nam ta đang là một đề tài đặc biệt nóng bỏng, gây hoang mang trong dư luận và mỗi ngày lại bước thêm một bước vào vực đen không lối thoát. Ở giữa bức hình tôi để “trơ trọi” chỉ một bàn tay? Điều đó có đánh thức trí tò mò trong bạn? Theo bạn, ai đã dùng bàn tay của mình gây nên tình trạng hiện nay, ai đã đem bữa cơm của toàn nhân loại đi vào lối nguy hiểm. Một và chỉ một – con người! Chính con người là tác nhân gây nên cơn bão mất vệ sinh thực phẩm tồi tệ ngày hôm nay.

Tình hình an toàn thực phẩm diễn biến ngày một phức tạp. Khoảng 2 đến 3 năm về trước khi nói đến an toàn thực phẩm thì chỉ nhắc đến quá trình chế biến mất vệ sinh nhưng trong thời gian gần đây mức độ bẩn tăng cấp vượt bậc. Ngày trước chỉ cần nghe đến việc người ta chế biến thực phẩm trên nền nhà, rửa thực phẩm bằng nước sông thì đã vô cùng bức xúc nhưng sau này chuyện đó dường như quá tầm thường. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp lúa gạo là lương thực chính nhưng người ta sẵn sàng làm giả gạo bằng khoai lang trộn với cao su bán cho đồng bào mình nhằm thu lợi, một nguồn lợi “kếch xù”. Trong bữa cơm của mỗi gia đình không có dĩa thức ăn nào đảm bảo trong đấy không chứa chất độc hại. Bạn sẽ chọn món ăn gì cho gia đình mình khi: Người ta sẵn sàng dùng hóa chất biến thịt heo hôi thối thành miếng thịt bò tươi mơn mởn, cá ướp formon (chất dùng để ướp xác người) dùng để bảo quản cá đi xa nhưng vẫn tươi tao táo, lợn thì trước khi làm thịt được tiêm thuốc an thần và hậu quả là người dân ăn phải sẽ có nguy cơ bị mục xương, gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hệ thần kinh một cách nghiêm trọng. Về mặt hàng rau – củ quả cũng không hề “kém cạnh”, theo như tôi đọc báo mỗi ngày, hầu hết các loại trái cây đều được tiêm thuốc hóa học. Người nội trợ đối diện các loại trái cây cảm thấy vô cùng ưng ý và bắt mắt nhưng ai lại biết bên trong ấy là những chất độc – tuy không ảnh hưởng sức khỏe tức thời, nhưng nó sẽ làm cho thế hệ chúng ta chết dần chết mòn.

(Ảnh : Vietbao.vn)

Khoa học phát triển để phục vụ cuộc sống ngày một tiện lợi chứ hoàn toàn không nhằm vào mục đích giết người. Thương lái hằng ngày cứ tiêm, cứ chích nhưng có được bao nhiêu người hiểu rõ về thành phần và tác hại hóa học được chứa trong ống tiêm. Như đã trình bày, những loại thuốc này chỉ ngấm qua cơ thể con người từng ngày, từng ngày một rồi dẫn đến một hậu quả khôn lường. Lấy một đơn cử về tên của sát nhân tàn ác – “ung thư”: năm 2007 tại Việt Nam có 1199 người bị ung thư phổi nhưng đến năm 2010 con số này lại tăng lên 6000 người (Theo báo Lao Động). Những con số được kể ra ở trên thật kinh khủng! Chỉ trong vòng 3 năm nhưng số người mắc ung thư phổi tăng lên 6 lần – một con số khó có thể chấp nhận. Nhưng đó chỉ mới là số liệu năm 2010, liệu trong 6 năm qua, con số ấy đã tăng lên đến bao nhiêu, 10000, 100000 hay 1000000, điều đó không thể đoán trước được. An toàn thực phẩm từng là một thế mạnh của Việt Nam, nhưng trong những năm trở lại đây, nó là kẻ giết người không tên. Nó chứa trong mình hàng trăm hàng nghìn chất cực độc, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Đứng trước mối hiểm hoạ to lớn như vậy, mọi người đều muốn biết đều đó bắt nguồn từ đâu. Là từ cái này…

(Ảnh : Google.com)

Có lẽ một số người quan trọng tiền hơn cả mọi thứ, ngay cả tính mạng con người. Vì tiền họ làm ra đồ giả, vì tiền họ sử dụng thuốc độc, vì tiền họ đầu độc những người họ gọi là đồng bào và vì tiền họ hủy hoại cả một thế hệ tương lai. Theo phương diện sinh học, một cơ quan bị tổn thương thì cả cơ thể không thể nào làm việc có hiệu quả. Nếu mọi trẻ em đều bị tẩm độc dần dần từ khi trong bụng mẹ thì hỏi lấy đâu ra kì tài cho đất nước? Không phải người ta “ngu” mà là người ta hám lợi. Họ thừa biết tiêm thuốc hoá học là gây nên hậu quả nghiêm trọng nhưng họ không thể cưỡng lại cái gọi là lợi nhuận. Thương lái Việt Nam đa phần chỉ nhìn cái nguồn lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả về sau. Khi mọi thứ đều bị nhiễm độc, đều trở nên thật đáng sợ thì họ mới biết là không thể ăn được tiền. Đến lúc đó chắc bản đồ Việt Nam sẽ bị xoá bỏ khỏi bản đồ thế giới. Đó là sự thật,  hãy chấp nhận! Con người mỗi ngày càng trở nên thiếu ý thức trầm trọng (mời cô xem clip ở PowerPoint). Họ chỉ nghĩ cho mình họ mà không nghĩ đến các mối hiểm hoạ đang đến dần. Họ đầu độc con người – con người lại đầu độc thiên nhiên. Không sớm thì muộn chúng ta sẽ bị nhấn chìm bởi biển cả bao la. Cái giá có về lợi nhuận thật sự đắt hơn nhân mạng đồng nghĩa với việc phá hủy  môi trường sẽ không mang lại hiệu quả. Ý nghĩa này hầu hết nằm trong những người hám lợi, đó là một ý nghĩ vô cùng tiêu cực. Chính vì thế mới có thể khẳng định: Ý thức của người dân Việt Nam chưa thật sự cao. Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận, thương nhân sẽ đổ lên đầu người dân những thứ cực độc. Bên cạnh đó, tình hình an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp có phải chăng một phần lỗi nằm ở việc kiểm soát của Nhà nước. Tôi đồng ý Pháp luật Việt Nam có một vài chỗ còn khá lỏng lẻo, chỉ phạt hành chính về vấn nạn này chứ không đưa đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, các cơ sở chế biến thực phẩm bẩn mọc lên như nấm, khó mà kiểm soát được. Tôi tin rằng những nhà lãnh đạo có tâm của nước đất nước Việt Nam sẽ anh minh, sáng suốt, sớm có biện pháp giải quyết thực trạng đen tối này. Tôi mong rằng mình sẽ không phải thất vọng.

***

Vấn đề an toàn thực phẩm đặt ra trước mắt chúng ta dấu chấm hỏi lớn về “nhân tính” và “lòng tin”: “nhân tính” ở đâu và “lòng tin” đặt chỗ nào mới đúng.

Dân tộc ta có câu “Thương người như thể thương thân”, vậy mà hiện nay, con người lại giết hại lẫn nhau chẳng khác gì loài thú. Có điều, thú vật cắn chết nhau trước mặt, còn con người thì giết nhau trong âm thầm. Điều đó vô cùng đáng sợ, người ta không biết mình sẽ chết lúc nào, cái chết không đến ngay lập tức mà nó dày vò con người ta cả thể xác lẫn tinh thần, nó gặm nhấm, làm đau đớn, làm con người ta chết dần chết mòn từng ngày. Thử hỏi “nhân tính” ở đâu đã để cho phần “người” trong “con người” bị lu mờ, để phần “con” lấn át và điều khiển. Đó có thể coi là một căn bệnh, căn bệnh lây lan rất nhanh, căn bệnh không thứ thuốc nào có thể chữa khỏi. Bản thân nó đã là căn bệnh “nan y” nên nó đang gieo mầm  mống bệnh tật đó vào những con người vô tội. Cần có sự thức tỉnh của những cá nhân có phần “con” quá lớn, bản thân họ phải đấu tranh để vượt qua sự cám dỗ của đồng tiền thì mới mong căn bệnh ấy chấm dứt.

“Lòng tin” của con người đang bị mang ra đùa giỡn. Trước kia, người dân tự sản xuất, tự tiêu dùng, nhưng do nhu cầu muốn sử dụng nhiều loại khác nên xuất hiện trao đổi hàng hoá. Xã hội ngày càng phát triển, việc trao đổi hàng hoá trở thành mua bán và tiếp tục phát triển thịnh vượng. Từ trao đổi để có được nhiều thứ khác, người ta lấy đó làm việc kiếm lợi nhuận, dần dà người ta coi trọng cái lợi nhuận hơn là chất lượng sản phẩm. Từ chỗ tin tưởng nhau để trao đổi với nhau, giờ đây sự tin tưởng ấy đang dần biến mất. Khách hàng không còn lòng tin ở sản phẩm họ mua nữa, không phải vì họ không muốn tin mà lạ họ không biết chỗ để đặt niềm tin. Bởi vì họ biết người sản xuất có thể đánh đổi cả lương tâm để lấy tiền bạc, người ta có thể bất chấp mọi thứ, kể cả tính mạng con người để có được đồng tiền. Vậy thì người mua biết phải đặt lòng tin của mình ở đâu đây khi mỗi ngày lại có thêm một thứ thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, bản thân không thể kiểm chứng được độ tin cậy của thực phẩm. “Tránh vỏ dừa thì gặp vỏ dừa”, tránh thực phẩm không chứa chất độc thì gặp thực phẩm chứa chất cực độc. Thật trớ trêu! Sống là phải tin tưởng nhau, vậy mà giờ đây cái lòng tin giữa người với người trong cùng một dân tộc đang bị lung lay, rồi đây sự nghi ngờ sẽ lớn lên, đất nước rồi sẽ đi về đâu.

Thực chất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ có thể được giải quyết tốt nếu có những biện pháp đồng bộ từ mọi người chúng ta, từ người quản lí, người sản xuất đến người tiêu dùng đều phải đồng lòng thực hiện với mục tiêu giữ gìn sức khỏe cho thế hệ chúng ta hôm nay, thế hệ con cháu chúng ta ngày mai và cũng chính là giữ gìn sự uy tín của dân tộc Việt Nam đối với quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Giờ đây an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề giống nòi mà còn là uy tín của con người, đất nước Việt Nam”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *